Header Ads

Bún bò cay Bạc Liêu

Khách thập phương khi đến Bạc Liêu đều không thể quên món Bún bò cay nơi đây. Nếu có dịp được thưởng thức món bún bò cay Bạc Liêu, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ bởi hương vị mộc mạc, dân giã, đã thưởng thức một lần thì khó lòng quên.

Món bún bò cay Bạc Liêu có gì độc đáo?

Cách đây khoảng chục năm, Bạc Liêu đã làm “nóng” thị trường ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long với loại cây hoang dã là bồn bồn khi được chế biến thành một vài món ăn lạ mà ngon miệng, đáp ứng khẩu vị của những người “sành ăn”... Chính vì vậy mà ẩm thực Bạc Liêu có tính đặc thù riêng biệt: dân dã, mộc mạc, đã thưởng thức một lần, khó lòng quên. Nhưng có một món mà đến Bạc Liêu bạn không thể không thưởng thức đó là bún bò cay.

Mới nhìn thấy, dễ lầm bún bò cay Bạc Liêu với hủ tiếu bò kho, do cùng sắc màu, cùng loại rau, mấy miếng thịt bò… Nhìn kỹ hơn sẽ thấy sự khác biệt của sợi bún, chén muối ớt…

Khác với một số món ăn quen thuộc như bún bò Huế, bún chả Hà Nội, hay bún mắm... món bún bò cay Bạc Liêu rất khác biệt. Thoạt nhìn qua, bạn sẽ có cảm giác món ăn này khá quen thuộc với màu trắng của bún và màu vàng sẫm của nước lèo. Tuy nhiên, khi nếm thử bạn sẽ cảm nhận được cái vị ngon đặc trưng của nó ngay từ muỗng đầu tiên.

Nguồn gốc của bún bò cay Bạc Liêu

Theo người dân địa phương, món bún bò cay vốn được sáng tạo từ 2 đầu bếp người Hoa. Ban đầu món ăn này chỉ được dùng để giải rượu cho các vị quan chức sau những đêm say sưa quá độ. Tuy nhiên, chính sự thơm ngon hiếm có của nó đã thu hút rất nhiều thực khách và trở nên nổi tiếng ở xứ sở Bạc Liêu.

Hương vị cay tinh tế đặc trưng khi thưởng thức bún bò cay Bạc Liêu

Mỗi tô bún có bốn cục thịt bò, mỗi cục vuông vức chừng ba ngón tay. Gắp một cục thịt chấm muối ớt cho vào miệng, hoặc nạc hoặc nạm hoặc gầu, gân, thứ nào cũng để lại hương vị đặc trưng ngon. Ăn xong, bạn sẽ thỏa mãn trong vị cay đến chảy nước mắt, đến cái giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua kích thích dịch vị của chanh. Nhưng “đã đời” nhất là sau một đêm say, ăn xong tô bún, vị cay và sức nóng của nó làm các lỗ chân lông toát đầy mồ hôi, sảng khoái cả người. Chính vì cái hương vị và “công dụng” đặc biệt ấy mà bún bò cay ngày càng thu hút thêm khách.

Để nấu được tô bún bò cay thơm ngon, nước nấu được hầm từ xương heo hoặc xương bò. Thịt bò cần phải có cả nạc, nạm, gầu, gân… và được cắt thành miếng dày khoảng 1.5 - 2cm. Khi ướp thịt, nhất định phải có các loại gia vị không thể thiếu như bột quế, bột nghệ, hạt cà ri, tỏi, gừng, riềng, sả và dầu điều.

Không chỉ khác biệt hương, sắc, vị ngọt đậm đà của tô bún miền Dạ cổ hoài lang rất đặc biệt bởi sự góp mặt của nước dừa trong nước lèo. Tỷ lệ ít nhiều tùy quán, vị ngọt khó lẫn của nước dừa rất khác với cái ngọt hành tây, hăng hăng của củ cải trắng… phối với ngọt thịt bò, xương heo làm món bún cay ngọt ngon đậm đà. Rất miền Tây!

Ở nhiều quán, kể cả ở Bạc Liêu muối hột sẽ được đâm dập, muối lẫn ớt xay nhuyễn, sấy khô trộn kỹ thành chén muối hồng hồng lấp lánh đẹp và thơm…. Muối ớt và cả ớt sa tế trong quán là tự làm, vì chúng góp phần quan trọng trong việc nấu lẫn chấm, hàng chợ không đáp ứng được.

Phải nói bún bò cay là đặc sản có một không hai, chẳng những của Bạc Liêu, mà có thể là của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, có lẽ bún bò cay được chế biến chẳng lấy gì làm công phu, cầu kỳ. Chỉ là thịt bò nấu với sa tế mà thôi, nhưng bún bò cay ngon nhờ không dùng nhiều mỡ và đặc biệt được pha chế theo một công thức bí truyền.

Theo các quán bán bún bò cay chính hiệu tại Bạc Liêu, để cho ra được tô bún ngon người đầu bếp phải biết canh lửa để thịt bò giữ được độ mềm mà không bị nát. Vị cay của ớt phải vừa thấm đều và mùi thơm gia vị không được quá nồng gắt. Hương thơm này chỉ cần lan tỏa vừa đủ để kích thích khứu giác và vị giác của thực khách. Chính vị sự tỉ mỉ từ khâu chế biến nên các quán bún bò ở đây lúc nào cũng thu hút đông đảo du khách.

Nguồn: BacLieu.net

Powered by Blogger.